Chùa Phù Dung còn có một tên gọi khác là chùa Phù Cừ, nằm dưới chân núi Bình San, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang. Là một trong những danh lam cổ tự của miền đất Hà Tiên hiền hòa thơ mộng, chùa Phù Dung không chỉ điểm tô cho non nước cõi biên thùy nét uy nghiêm trầm mặc của một ngôi già lam mà còn làm say lòng du khách bởi phát tích câu chuyện tình diễm lệ của ngài Tổng trấn và “nàng Ái cơ trong chậu úp”.
Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự, vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.
Thực ra giai thoại trên là do dân gian kể theo tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp của bà Mộng Tuyết. Câu chuyện tóm lược như sau: Mạc Lịnh công tức Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tích có một người vợ thứ tên là Dì Tự “sắc nước hương trời và văn hay chữ tốt”. Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Hóa cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh công bận đi duyệt binh, ở nhà, Nguyễn phu nhân đem nhốt bà thứ vào trong một cái chậu, úp lại cho ngộp mà chết. Bất thình lình, vừa lúc đó trời bỗng đổ mưa to và Mạc Lịnh công cũng vừa về đến. Thấy trời đang mưa mà sao chậu to không ngửa lên hứng nước, ông bèn truyền lệnh giở chậu ra thì phát hiện nàng Dì Tự đang thoi thóp, nhưng may mắn hãy còn cứu kịp. Tuy thoát chết, nhưng Dì Tự trở nên chán chường sự thế, bèn xin Mạc Lịnh công cho phép đi tu. Trước sự tình ngang trái đó, ngài Tổng binh không còn cách nào khác, đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho “Ái cơ” của mình tu hành. Bên am tự, ngài cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Đến khi bà qua đời, Mạc Lịnh công cho xây ngôi mộ kiên cố, cấu trúc theo hình cái chậu để tỏ lòng tưởng nhớ đến giai nhân đã vì ông mà phải chịu oan ức, khổ ải… Ngôi am tự đó về sau trở thành Phù Dung Tự.
Dù còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí còn có ý kiến cho rằng, chuyện tình của Mạc Tổng trấn và nàng Ái Cơ Phù Cừ chỉ là hư cấu của những văn sĩ, nhưng hầu hết người dân Hà Tiên đều thuộc lòng và tin rằng đó là chuyện tình đẹp, có thật, gắn liền với công cuộc khai mở đất Hà Tiên.
Câu chuyện tình lịch sử thấm đẫm văn chương và nước mắt giữa Mạc Tổng trấn và Ái Cơ Phù Cừ từ đó trở đi là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm truyện, tuồng và thơ. Năm 1959, nhà văn, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà viết vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” theo tác phẩm “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết. Vở cải lương đã thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả thời bấy giờ.
Vãn cảnh Phù Dung cổ tự, nghe kể lại câu chuyện tình lãng mạn và cảm động, tìm lại dấu xưa của đất Hà Tiên làm cho chuyến du hành thêm phần thú vị.
Trải qua bao người trụ trì, giờ đây hiện nay ngôi chùa khang trang này được hoàn chỉnh với sân và hai phần thờ tách biệt.
Trước sân chùa là một đài cao trên có pho tượng Phật Quan Thế Âm cao chừng 4 m bằng xi măng, sơn trắng. Kế đến là chính điện được bài trí trang nghiêm: chính giữa là tượng Thích ca Mâu ni, hai bên là hai đại đệ tử Anan và Ca diếp.
Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3 m, ngang 2,3 m) minh họa 4 cảnh đức Phật đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết bàn.
Sau lưng ngôi chính điện, qua một khoảng sân nhỏ, du khách sẽ gặp một tòa lầu gác cao hai tầng có tên gọi “Ngọc Hoàng bửu điện”, nơi đây thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu.
Phía bên trái chùa Phù Dung có một lối nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20 m sẽ gặp một ngôi mộ cổ nằm tựa lưng vào vách núi giữa rừng cây cao vút, mát mẻ, u tịch. Trên bia mộ có nhiều dòng chữ Hán. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc chữ Việt ghi: Lăng bà Phù Dung – Từ Thành Thục Nhơn – Nguyễn Thị Xuân (1720-1761) – viên tịch rằm tháng 2 Âl – Hiệu Phù Cừ.
Dù rằng hiện thời việc bàn cãi về lịch sử chùa Phù Dung vẫn chưa ngã ngũ nhưng với người dân Hà Tiên và với những ai có biết qua câu chuyện tình buồn nơi xứ thơ cũng ít nhiều ai hoài niềm xúc cảm như người xưa mỗi khi có dịp du lịch Hà Tiên dừng chân chiêm bái ngôi cổ tự.